Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017. Qua hơn một năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS), hoạt động đấu giá tài sản đã tác động lên nhiều chủ thể, nhất là những người có tài sản, người quản lý tài sản của Nhà nước, tổ chức bán ĐGTS, đấu giá viên…Nhiều quy định mới của Luật so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã tác động đến nhiều mặt của hoạt động đấu giá, khẳng định tính đúng hướng trong việc phát triển hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp. Trong đó, nhiều quy định đã bước đầu đi vào thực tiễn. Người có tài sản (gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức có tài sản bán đấu giá khi thực hiện bán ĐGTS của Nhà nước, quyền sử dụng đất, tài sản thi hành án) đã bắt đầu thực hiện việc lựa chọn tổ chức ĐGTS theo các tiêu chí mà Luật quy định. Theo đó, đã góp phần lựa chọn các tổ chức ĐGTS có uy tín, kinh nghiệm, năng lực, khách quan trong việc tổ chức đấu giá.
Tuy nhiên, cho đến nay một số nội dung trong Luật Đấu giá tài sản chưa được hướng dẫn cụ thể đảm bảo cho các quy định của Luật đi vào cuộc sống và được tổ chức thực hiện đồng bộ cụ thể là:
Thứ nhất, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên
Theo quy định tại Điều 20 của Luật là: “Đấu giá viên tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức đấu giá tài sản hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình”. Quy định của Luật về trách nhiệm của người mua bảo hiểm cho đấu giá viên thì đã rõ, nhưng số tiền để mua bảo hiểm cho đấu giá viên là bao nhiêu và đối với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thì việc mua bảo hiểm này được dùng từ nguồn tiền nào để mua bảo hiểm. Vì trên thực tế hiện nay các Trung tâm hoạt động theo nhiều mô hình khác nhau như tự chủ 100%, tự chủ một phần hoặc có Trung tâm được nhà nước đảm bảo kinh phí 100%. Vấn đề này hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nên các tổ chức hành nghề đấu giá, nhất là các Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, rất lúng túng trong thực hiện.
Thứ hai, về thời hạn nộp tiền đặt trước
Tại khoản 2 Điều 38 Luật quy định tổ chức ĐGTS tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc ĐGTS cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá hai ngày. Khoản 2 Điều 39 Luật cũng quy định tổ chức ĐGTS chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn ba ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Với các quy định trên, khi hết hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, người đăng ký vẫn có thể nộp tiền đặt trước vào hai ngày sau nên phát sinh tình trạng nhiều khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau, sau đó chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản, những người khác không nộp tiền đặt trước chỉ bị mất tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá. Để tránh tình trạng tiêu cực này, cần sửa đổi quy định theo hướng thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và thời gian nộp tiền đặt trước phải trong cùng thời hạn trước ngày mở cuộc đấu giá…
Thứ ba, về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Theo điểm đ, khoản 4 Điều 56 quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là phải “Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố”. Nhưng cho đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa công bố đầy đủ danh sách các tổ chức đấu giá trong phạm vi cả nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá của người người có tài sản bán đấu giá và các tổ chức đấu giá chưa được Bộ Tư pháp công bố không đáp ứng được tiêu chí này mặc dù họ có đủ khả năng để tham gia. Cũng tại Điều 56 quy định “người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”. Cho đến nay trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản chưa có. Liệu khi thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá mà không thông báo công khai trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản thì có vi phạm pháp luật?
Một vấn đề bất cập nữa trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là Luật không quy định thời gian thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản nên thực tế có trường hợp người có tài sản thông báo thời gian lựa chọn tổ chức đấu giá “siêu nhanh” nên các tổ chức đấu giá “trở tay không kịp”. Điều đương nhiên là chỉ có tổ chức đấu giá đã được ngầm lựa chọn trước mới có thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ kịp thời hạn. Đây chính là kẻ hở cho việc cạnh tranh không lành mạnh đang xảy ra khá phổ biến hiện nay trong hoạt động đấu giá tài sản ở nhiều địa phương trong cả nước.
Thứ tư, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản
Tại Mục 5 Chương II Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, các hình thức xử phạt chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá có thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng hoặc thời hạn 12 tháng. Trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Cùng với đó, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm: hủy bỏ giấy tờ giả; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; hủy bỏ kết quả bán đấu giá tài sản. Có thể thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với đấu giá viên và tổ chức bán đấu giá tài sản được quy định trong Nghị định số 110/2013/NĐ-CP là tương đối thấp. Mức xử phạt này được xây dựng dựa trên mặt bằng chung về điều kiện kinh tế, mức xử phạt vi phạm hành chính khác, chứ không tính toán theo địa bàn tỉnh, thành phố và giá trị của tài sản được đưa ra đấu giá.
Thứ năm, việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến
So với Nghị định 17/2010/NĐ-CP, điểm mới trong “hình thức bán đấu giá” của Luật Đấu giá tài sản 2016, được quy định tại Điều 40 về “hình thức đấu giá, phương thức đấu giá” là quy định “đấu giá trực tuyến”. Đấu giá trực tuyến là hình thức đã được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, hình thức này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động đấu giá tài sản minh bạch, cạnh tranh hơn, hạn chế nhiều bất cập của phương thức đấu giá truyền thống. Với đấu giá trực tuyến, tất cả các cơ quan, tổ chức đều có thể đăng ký đấu giá tài sản qua mạng. Khi đã đưa lên mạng, bất kỳ người dân nào cũng có thể tìm hiểu thông tin và đăng ký tham gia đấu giá. Lợi ích của vận hành hệ thống đấu giá trực tuyến này là đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh hiện tượng cấu kết, móc ngoặc trong đấu giá. Hình thức này thu hút đông đảo người quan tâm mua đấu giá hơn. Bởi họ có thể tham gia bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Tính bảo mật, an toàn thông tin luôn được đảm bảo, khả năng bị các nhóm lợi ích chi phối là khó xảy ra. Tuy nhiên, với điều kiện trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin ở nước ta hiện nay thì việc đấu giá trực tuyến khó có thể áp dụng ngay được. Đồng thời, việc áp dụng hình thức đấu giá này có thể sẽ hạn chế đối với những người không am hiểu về phương thức, cách thức tham gia cũng như thiếu am hiểu về máy tính, internet. Việc trả giá trực tuyến, đôi khi chỉ gõ nhầm một con số có thể dẫn đến kết quả không mong muốn, dẫn đến mất tiền đặt trước. Bên cạnh đó, cũng có thể có sự không minh bạch trong kết quả đấu giá, nếu tổ chức đấu giá thông đồng, móc nối để làm sai lệch kết quả đấu giá, mà những người tham gia trả giá không có điều kiện để phát hiện ra được.
Thứ sáu, việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là bất động sản.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 46 Luật Đấu giá tài sản năm 2016: “Người trúng đấu giá được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá kể từ thời điểm đấu giá viên công bố người trúng đấu giá, trừ trường hợp người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này hoặc từ chối kết quả trúng đấu giá quy định tại Điều 51 của Luật này. Kể từ thời điểm này, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Hiệu lực của hợp đồng tại Khoản 1, Điều 401 như sau: “ Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”.
Trong khi đó Luật Công chứng năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 tại Khoản 1, Điều 5 lại quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”. Như vậy, chúng ta thấy ở đây có một khoảng trống về hiệu lực của hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là bất động sản. Đó là khoảng thời gian kể từ thời điểm đấu giá viên công bố người trúng đấu giá cho đến ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là bất động sản. Nếu trong khoảng thời gian này mà phát sinh những sự kiện liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng thì sẽ rất khó mà giải quyết cho thấu đáo.
Thứ bảy, về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá tài sản công
Cụ thể, trước đây người mua trúng đấu giá nộp tiền trúng đấu giá trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Tuy nhiên, hiện nay theo Nghị định 151/2017 (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công), người mua nộp tiền trúng đấu giá trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán tài sản. Trong khi đó theo Nghị định 167/2017 (quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công), trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán tài sản, người trúng đấu giá nộp 50% tiền mua tài sản và 50% còn lại nộp trong 60 ngày.
Các quy định trên đã khiến tổ chức đấu giá tài sản lúng túng khi đưa ra thời hạn nộp tiền của người trúng đấu giá trong trường hợp đấu giá nhà, đất thuộc tài sản công. Ngoài ra, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán tài sản, người trúng đấu giá không nộp đủ 50% tiền mua tài sản thì không có quy định xử lý chậm nộp. Một bất cập khác là theo các quy định trên thì thời hạn nộp tiền được tính từ ngày ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Trường hợp nếu sau khi cuộc đấu giá kết thúc, tổ chức ĐGTS cho người trúng đấu giá ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và tiến hành công chứng hợp đồng nhưng sau đó người trúng đấu giá không nộp đủ tiền đúng thời hạn và không mua tài sản nữa, tổ chức ĐGTS sẽ tiến hành hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nhưng người mua trúng đấu giá không hợp tác, dẫn đến không bán được tài sản, gây chậm trễ trong việc đấu giá lại để thu hồi vốn ngân sách của Nhà nước. Để tránh trường hợp trên, tổ chức bán ĐGTS ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và công chứng hay phải chờ người trúng đấu giá nộp đủ tiền rồi mới tiến hành công chứng mua bán tài sản đấu giá?
Ngoài những vướng mắc nói trên, thời gian qua Bộ Tư pháp cũng đã ban hành nhiều Công văn hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản liên quan đến các vấn đề như: thành lập, chuyển đổi, đăng ký hoạt động Doanh nghiệp đấu giá tài sản; về thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đấu giá tài sản; phạm vi hành nghề của đấu giá viên; các trường hợp xử lý tiền đặt trước, thu và trả lại tiền đặt trước…Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nghiêm chỉnh trình tự, thủ tục đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu giá, thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá tài sản đối với các tổ chức đấu giá tài sản và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn quản lý./.
Luật gia Từ Minh Liên