Trình tự, thủ tục đấu giá cần quy định chặt chẽ hơn

(PLVN) -Tham gia giải trình những vấn đề liên quan đến các quy định về đấu giá tài sản tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã cung cấp, làm rõ thêm một số vấn đề Đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, đấu giá tài sản là giao dịch mua bán hết sức bình thường và phổ quát trong nền kinh tế thị trường. “Rất nhiều nước có truyền thống bán đấu giá từ hàng trăm năm nay, ở nước ta thì thực tế phát triển đấu giá và quy định pháp luật đấu giá muộn hơn nhiều, có thể nói bắt đầu tư từ năm 1996, khi Chính phủ ban hành Nghị định về quy chế đấu giá tài sản”, Bộ trưởng Long nói.

Qua so sánh pháp luật của nước ta cũng như thực tiễn của một số nước có một số khác biệt. “Ví dụ, về pháp luật điều chỉnh, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có luật, còn các nước khác thì chủ yếu là theo Bộ luật dân sự hoặc thậm chí không có quy định riêng. Về tài sản đấu giá, các nước chủ yếu là tài sản tư nhân còn ở Việt Nam, trong số 110.000 cuộc đấu giá thành công trong giai đoạn 2018-2021, chỉ có 50 cuộc là tài sản tư nhân. Về giá khởi điểm, cũng không có quy định, chủ yếu do các bên thỏa thuận và thậm chí bắt đầu bằng 0. Tiền đặt trước và sau này chuyển thành tiền đặt cọc thì kinh nghiệm và thực tiễn của các nước có khác nhau nhưng cũng từ 5 đến 20%, một số nước tăng lên đến 25% nhưng lại có mức trần. Chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành cũng không tính, nguyên tắc đấu giá là dân sự và được càng nhiều tiền càng tốt, ví dụ như Nhật Bản bán một cặp dưa lưới tính ra tiền Việt Nam được cả tỉ đồng hoặc có những bức tranh có giá khởi điểm 100 USD mà bán được 69,3 triệu USD”, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu những điểm khác trong thực tiễn pháp luật đấu giá của nước ta với các nước trên thế giới.

Nhất trí cao với nhận xét, đánh giá của đại biểu QH cho rằng pháp luật đấu giá của nước ta quy định ở nhiều nơi, nhiều tác nhân tham gia và nhiều bộ, ngành có liên quan. Luật Đấu giá thì quy định về trình tự, thủ tục và những nguyên tắc chung nhất của đấu giá. Tuy nhiên, khi đi vào các quy định của pháp luật nội dung thì theo pháp luật chuyên ngành. “Chẳng hạn như đấu giá tần số viễn thông là theo Luật tần số viễn thông, các vấn đề liên quan đến sử dụng đất thuộc nhánh pháp luật về đất đai, giao dịch bảo đảm thì theo giao dịch bảo đảm hoặc theo thi hành án dân sự. Tổng hợp lại trên dưới 20 loại tài sản quy định để bán đấu giá thì cũng chừng ấy các luật khác nhau”, Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, chế tài để áp dụng trong trường hợp vi phạm về đấu giá thì có dân sự, hành chính và hình sự. “Dân sự thì coi như không mua thì mất cọc. Hành chính thì trong lĩnh vực tư pháp có Nghị định 82, quy định về mức phạt. Về hình sự, trong những vụ việc vừa xảy ra, nếu có cơ sở có thể áp dụng Điều 218 Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản hoặc tội đầu cơ”, ông Long cho biết.

Nhấn mạnh tinh thần sắp tới sẽ có căn chỉnh dựa trên tình hình trên thực tế thời gian qua, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, cách tiếp cận vẫn phải ở các luật khác nhau. “Vấn đề đặt ra là chúng ta làm sao đồng bộ hóa để áp dụng cho thuận tiện, dễ dàng và đưa về cùng một mặt bằng”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Về vấn đề giá khởi điểm, giá khởi điểm liên quan đến quyền sử dụng đất thì áp dụng theo quy định của pháp luật về đất đai, bao gồm luật và các nghị định và chừng mực nào đó là pháp luật về quản lý thuế thuộc lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính.

Về điều kiện thì cũng được quy định trong pháp luật về đất đai. Điều 14 Nghị định số 43 quy định rất cụ thể về năng lực tài chính và yêu cầu về ký quỹ… thì được tham gia đấu giá.

Về tiền đặt cọc, cũng nằm trong khung từ 5 đến 20% và trong lĩnh vực đất đai và theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai và pháp luật về quản lý thuế.

Đề cập đến vụ Thủ Thiêm, đã mất cọc rồi. Câu chuyện đặt ra là nếu phân tích một cách bình thường thì câu chuyện này là theo cơ chế thị trường mà chúng ta phát hiện được các dấu hiệu bất bình thường và có thể chứng minh thì chúng ta cứ xử lý. “Theo tôi, khung pháp luật hiện hành, quy định của pháp luật hiện hành cũng đã tương đối đầy đủ”, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.

Qua những vụ việc vừa rồi cho thấy cần phải có một số giải pháp. Giải pháp trước mắt mà ngay lập tức phải thực hiện là tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 2/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản; 2 Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngay sau vụ việc xảy ra đã giao nhiệm vụ rất kỹ cho các cơ quan. Một số vấn đề về trình tự, thủ tục thì cần quy định một cách chặt chẽ hơn trong Luật đấu giá tài sản và rà soát lại các khung liên quan đến tiền đặt cọc, các khoản tiền thu có liên quan trong pháp luật về đất đai”, Bộ trưởng Long nói thêm.

Nguồn:
Hà Dung
https://thads.moj.gov.vn/tuyenquang/noidung/tintuc/lists/thongtinkhac/view_detail.aspx?itemid=416

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *